[BOOK REVIEW] THIẾT KẾ “TRẢI NGHIỆM DÒNG CHẢY” NƠI LÀM VIỆC CÙNG MIHALY CSIKSZENTMIHALYI

1. Trải nghiệm tối ưu đến từ đâu?

Hạnh phúc đến từ việc con người không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống của mình nhờ những trải nghiệm tối ưu. Trải nghiệm tối ưu được cấu thành từ hoạt động dòng chảy và sự thưởng thức của mỗi chúng ta khi tham gia vào trải nghiệm đó.

Theo quyển sách “Flow - Dòng chảy”, trải nghiệm tối ưu có thể được hiểu là trải nghiệm bước ngoặt mang tính đột phá, có khả năng thay đổi nhận thức và phát triển bản thân con người hơn trước. Để làm được điều đó, tác giả phát hiện ra rằng trải nghiệm tối ưu được tạo thành nhờ trạng thái “dòng chảy”. Trạng thái dòng chảy có thể hiểu là trạng thái khi con người thực hiện công việc một cách say mê, họ hoàn toàn chú tâm vào công việc đó hơn bất kỳ kích thích xung quanh nào khác.

Để cải thiện chất lượng cuộc sống, tác giả đưa ra 2 chiến lược chính: tác động đến điều kiện bên ngoài sao cho phù hợp với mong đợi của chúng ta hoặc thay đổi cách trải nghiệm các điều kiện bên ngoài để chúng tương thích với mong đợi của mình. Hai chiến lược này phải được kết hợp thực hiện với nhau. 

2. Môi trường tác động đến “tính cách có mục đích tự thân”:

Mục đích tự thân được đề cập trong sách như là động lực bên trong của con người. Khi đó, họ yêu thích công việc của mình không phải vì các “phần thưởng” họ có được từ điều kiện bên ngoài, mà bản thân việc nỗ lực thực hiện công việc là “phần thưởng” của chính nó.

Trong phần “Tác động của gia đình đến tính cách có mục đích tự thân”, Mihaly Csikszentmihalyi có đưa ra 5 đặc trưng của gia đình thúc đẩy tính cách có mục đích tự thân, đó là: sự rõ ràng, sự tập trung, sự lựa chọn, sự cam kết và tính thách thức. 

Ở phạm vi môi trường làm việc, chúng ta có thể vận dụng từ 5 đặc trưng này như sau:

  • Sự rõ ràng: Nhân viên sẽ biết mong đợi rõ ràng từ cấp trên của mình là gì, để họ tự định hướng hành vi, biểu hiện của mình phù hợp với môi trường làm việc.
  • Sự tập trung: Nhân viên sẽ cảm nhận được sự quan tâm của cấp trên đối với những gì họ thể hiện trong công việc, trải nghiệm và cảm xúc của họ trong quá trình làm việc hơn là chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng mà cá nhân họ hay tập thể của họ đạt được.
  • Sự lựa chọn: Họ sẽ cảm thấy mình được trao quyền để lựa chọn những thứ mình muốn làm, miễn là họ được trang bị đầy đủ về kiến thức, kỹ năng và tư duy để đối mặt với những hậu quả có thể xảy ra.
  • Sự cam kết: Người nhân viên thấy đủ “an toàn” để phá vỡ “vách ngăn” của mình với cấp trên và đồng đội để hết mình tham gia vào những công việc mình yêu thích.
  • Tính thách thức: Cấp trên tạo điều kiện để nhân viên được đảm nhiệm những nhiệm vụ, vai trò có tính phức tạp và thử thách tăng dần.

Khi đảm bảo được 5 yếu tố này, nhân viên sẽ cảm thấy họ có mục tiêu rõ ràng, sự chú tâm vào công việc trước mắt, sự kiểm soát, động lực nội tại và sự thử thách kích thích họ phát triển trong môi trường làm việc của mình.

3. “Trải nghiệm tối ưu” ở môi trường làm việc có thể được tạo ra như thế nào?

Điều kiện để tạo nên hoạt động dòng chảy  được đề cập trong sách bao gồm:

  • Hoạt động có thử thách tăng dần và đòi hỏi sự phát triển kỹ năng để thực hiện nó
  • Văn hóa: trong bối cảnh môi trường làm việc, “văn hóa” có thể là nội quy tổ chức và văn hóa được tổ chức xây dựng để mọi người ở đó tuân theo để điều hướng cách cư xử và hành vi của mình.
  • Sự tập trung: Hoạt động làm người ta tập trung năng lượng tinh thần và ý thức cho công việc, mà khi đó họ không quan tâm đến những thứ không liên quan.
  • Tính cách có mục đích tự thân
  • Môi trường tạo điều kiện cho tính cách có mục đích tự thân của những người tham gia vào môi trường đó

Dựa vào những điều kiện tạo nên hoạt động dòng chảy, người lao động nói chung và người làm Nhân sự nói riêng có thể cân nhắc vận dụng theo những cách sau:

a. Tập trung vào “mục đích tự thân” và kết hợp với “phần thưởng” bên ngoài cho công việc của mình

➤ Cá nhân người lao động bước đầu nên tìm kiếm công việc và môi trường làm việc phù hợp với hệ giá trị, đam mê của mình. Sau khi có được công việc, họ cần hết mình hoàn thành công việc được giao ở thời gian đầu để tìm kiếm “mục đích tự thân” từ chính công việc mình làm. Từ đó, họ chủ động thực hiện nhiệm vụ và vai trò mình đảm nhiệm ở tổ chức hơn, mà không phụ thuộc vào những “phần thưởng” bên ngoài có thể đến từ tổ chức, khách hàng,...

➤ Ở vai trò người làm Nhân sự, ngoài việc tìm kiếm ứng viên phù hợp với môi trường của tổ chức và có động lực phù hợp với vị trí đang được tuyển dụng, họ cần quan tâm nhiều hơn và tìm cách tạo môi trường làm việc để nhân viên có được trải nghiệm tối ưu sau quá trình tuyển dụng. Ngoài ra, họ cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc chăm sóc về mặt tinh thần của nhân viên để thiết kế những hoạt động nội bộ phù hợp, cũng như những trải nghiệm giúp nhân viên tìm thấy “mục đích tự thân” của mình đối với công việc ở tổ chức.

b. Phát triển kỹ năng phù hợp kèm với tăng dần tính thử thách trong môi trường làm việc

Chúng ta cần nhận thức rằng để một người phát triển bản thân, sự nghiệp và gắn bó với một môi trường làm việc, họ cần đòi hỏi công việc có sự thử thách tăng dần đi đôi với học hỏi những kiến thức, kỹ năng và tư duy để họ vượt qua những thử thách đó và đạt được trạng thái dòng chảy cho mình. Chúc bạn tìm được trải nghiệm mà ở đó bạn cảm thấy được “dòng chảy” của mình.


Hy vọng bài viết này giúp bạn có thêm nhiều góc nhìn và cân nhắc khi tìm kiếm trải nghiệm cho bản thân hoặc thiết kế trải nghiệm cho tổ chức ở vai trò người làm Nhân sự. Ngoài ra, bạn cũng có thể trở thành Hội viên của VNHR để có cơ hội nghe thêm nhiều chia sẻ của chuyên gia Nhân sự để nâng cao trải nghiệm tại môi trường làm việc.

Sự kiện liên quan

Liên hệ ngay
Bạn cần các giải pháp nhân sự phù hợp? Liên hệ ngay với chúng tôi! Hoặc gọi số +84 906645006

Nhu cầu đăng ký tài khoản của bạn
Đăng ký hội viên cá nhân
Đăng ký Hội viên Doanh nghiệp
Tôi đồng ý với các điều khoản của VNHR