[By CarePlus] BỆNH NHÂN TIM MẠCH VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC KHI TIÊM NGỪA VACCINE COVID-19

Bệnh nhân Tim mạch và những điều cần biết trước khi tiêm ngừa vaccine Covid-19

Người bệnh tim mạch có nên tiêm vaccine Covid-19 hay không?

Tiêm vaccine không đảm bảo bạn không bị nhiễm, nhưng giúp giảm nguy cơ mắc Covid mức độ nặng phải nhập viện, thở máy, thậm chí tử vong. Đặc biệt, người bệnh tim mạch là đối tượng nguy cơ cao diễn tiến nặng nếu mắc bệnh. Bệnh tim mạch ở đây bao gồm cả đột quỵ, đái tháo đường, rung nhĩ, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh mạch vành (có đặt stent hoặc không), tăng huyết áp, bệnh tim bẩm sinh, v.v

Vaccine Covid-19 có tác dụng phụ nào đặc biệt ảnh hưởng riêng với người bệnh tim mạch không?

Các nghiên cứu thử nghiệm vaccine cho thấy không có sự khác biệt về biến cố nghiêm trọng sau tiêm giữa người có và không có bệnh tim. Người bệnh tim cũng có các dấu hiệu như sốt, đau nhẹ chỗ chích, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, mỏi cơ tương tự người khỏe mạnh chích vaccine. Đối với người bệnh tim mạch mức độ nặng, các dấu hiệu tác dụng phụ có thể nhiều hơn khi tiêm liều 2, tuy vậy các dấu hiệu này thường hết sau 48 giờ và đáp ứng tốt khi dùng paracetamol và uống đủ nước.

Có cần ngưng thuốc tim mạch khi chích vaccine Covid-19?

Thuốc tim mạch không có tương tác với vaccine. Do vậy, không có khuyến cáo ngưng thuốc trước và sau khi tiêm.

Bệnh nhân đang dùng thuốc có tác dụng loãng máu có thể tiêm được không?

Các bệnh nhân đang dùng thuốc kháng đông (Sintrom, Xarelto, Pradaxa) hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu (Asprin, Brilinta, Plavix,..) có thể tăng khả năng chảy máu, tụ máu do vaccine phải được tiêm vào trong cơ cánh tay. Nếu bạn đang dùng Sintrom, cần kiểm tra xét nghiệm INR mới nhất để đảm bảo máu không quá loãng. Khi tiêm bác sĩ có thể chuẩn bị kim tiêm nhỏ hơn (23-25G), sau tiêm cần lấy bông gòn cồn ép chặt chỗ chích khoảng 2 phút, không chà xát chỗ chích. Khác với vaccine cúm mùa có thể tiêm dưới da để giảm chảy máu, vaccine Covid hiện tại chỉ cho tiêm trong cơ.

Bệnh nhân tim mạch có nguy cơ cao xảy ra phản ứng phản vệ khi tiêm vaccine Covid-19 không?

Những dữ liệu hiện tại cho thấy không có sự khác biệt về phản ứng phản vệ giữa bệnh nhân có và không có bệnh tim mạch. Bác sĩ sẽ khảo sát kĩ các yếu tố như tiền căn sốc phản vệ từ độ 2 trở lên, các thuốc đang dùng, có bệnh cấp tính hiện tại hay không để quyết định. Theo quy định hiện tại, các bệnh nhân tim mạch đang điều trị ổn định sẽ được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc tại cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.

Khi đi tiêm mà huyết áp tăng cao, cần phải làm gì?

Bạn cần uống thuốc huyết áp hàng ngày đúng giờ (nếu đang dùng). Bác sĩ sẽ cho bạn nghỉ ngơi, không cần thiết phải nôn nóng đòi đo lại huyết áp ngay sau...1 phút, càng nôn nóng đo lại, bạn càng...hồi hộp căng thẳng, huyết áp có thể vẫn cao. Đây là cơ hội để bạn thực hành hiểu biết của mình về cách đo huyết áp:

- Không đo khi mới lên cầu thang, mới chạy vào phòng.

- Không uống cà phê, trà, ăn hoặc hút thuốc lá trong vòng 30 phút trước khi đo

- Khi nhịn tiểu, hãy đi tiểu ngay khi mắc tiểu vì nhịn tiểu / bí tiểu làm tăng huyết áp đáng kể.

- Nghỉ ngơi thoải mái 5 phút trước khi đo.

- Nếu bạn đang hồi hộp, hay thả lỏng cơ thể. Nhắm mắt. Hít thở chậm vào bằng mũi, thở ra chậm bằng miệng. Đếm hơi thở từ 1 đến 20 để trấn tĩnh lại.

- Không nói chuyện khi đo, mặc áo ngắn tay. Ngồi trên ghế có tựa lưng. Thả lỏng tay không gồng, không bắt chéo chân.

- Hãy mang theo toa thuốc đang dùng, cũng như bảng ghi trị số huyết áp bạn tự đo hàng ngày, để bác sĩ có đủ thông tin đánh giá mức độ kiểm soát huyết áp của bạn.

Sự kiện liên quan

Liên hệ ngay
Do you need suitable HR solutions? Contact us now! Or call +84 906645006

Nhu cầu đăng ký tài khoản của bạn
Đăng ký hội viên cá nhân
Đăng ký Hội viên Doanh nghiệp
Tôi đồng ý với các điều khoản của VNHR