03 GỢI Ý PHÂN BỔ NGUỒN LỰC HIỆU QUẢ MÙA DỊCH BỆNH

Sự lây lan của virus Covid-19 đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào một cuộc “thử nghiệm” nhiều giải pháp hoạt động mới, như làm việc từ xa hay các chính sách giãn cách xã hội. Thế nhưng, sự tác động không chỉ đơn giản dừng lại ở việc thay đổi chỗ làm, nơi làm mà còn ảnh hưởng đến cách thức công việc được hoàn thành bởi NLĐ.

Nhận biết vấn đề then chốt là làm sao hoàn thành công việc, người lãnh đạo giờ đã có cơ hội chưa từng có để tái hình dung, sắp xếp và trao quyền cho nhân viên đảm đương nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của tổ chức, khách hàng và chính bản thân NLĐ. 

Bài viết này xin đề cập 03 gợi ý để doanh nghiệp phân bổ công việc, nguồn lực và kỹ năng cần thiết đúng nơi đúng chỗ, qua đó xây dựng sức bền, sức bật cho doanh nghiệp khi nền kinh tế phục hồi.

1. Điều chỉnh công việc có tính luân chuyển trong nội bộ

Trong bối cảnh Covid-19, công việc phải được điều phối nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể. Ví dụ, Ngân hàng lớn thứ 2 của Hoa Kỳ - Bank of America đã nhanh chóng phản ứng với đại dịch, bằng cách tạm thời luân chuyển 3000 nhân viên trong tổ chức vào vị trí phục vụ các cuộc gọi từ khách hàng và doanh nghiệp nhỏ.

Qua việc thoát ra khỏi cách làm việc cứng nhắc, nguồn lực sẽ được đặt đúng chỗ để giải quyết những vấn đề, thách thức nảy sinh của doanh nghiệp. Mạng lưới đội nhóm mà ở đó, nhân viên được trao quyền hoạt động vượt lên những khuôn khổ phân tầng tổ chức cứng nhắc, trở thành giải pháp quan trọng để phản ứng nhanh chóng trong thời kỳ khủng hoảng.

Nhiều tổ chức, chẳng hạn như Allianz Global Investors and Cisco, đã tiến hành một dự án nội bộ, tại đây họ phân chia công việc thành các nhiệm vụ và dự án nhỏ hơn. Những nhiệm vụ này có thể phù hợp với mọi người từ bất cứ đâu trong tổ chức với các kỹ năng liên quan.

Điều đó đã giúp cho NLĐ từ tình trạng không có đủ khối lượng công việc, giờ có thể nhanh chóng, dễ dàng tìm thấy nhiều nhiệm vụ khác. Họ chỉ cần sử dụng kỹ năng sẵn có hoặc liên quan để hoàn thành, và rồi đóng góp nhiều hơn cho công ty.

Nguồn: Internet

Sử dụng phương án như vậy, doanh nghiệp cũng đồng thời nhanh chóng lấp đầy vị trí trống nếu có nhân viên nghỉ vì dịch, bổ sung nhân viên mới vào dự án và đối phó các tình huống đóng băng đột ngột khác. Gần đây, một quản lý tuyển dụng thay vì tuyển một nhân sự mới, đã chia vị trí này thành 5 vị trí bán thời gian cho nhân viên hiện tại có thể ứng tuyển. Điều này đã tạo cơ hội mới cho họ phát triển, đồng thời đảm bảo được mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các nhà quản lý doanh nghiệp nên tái cấu trúc công việc, chia nhỏ thành nhiều nhiệm vụ thành phần. Trong đó, những nhiệm vụ nào cho phép thực hiện từ xa tạo thành một nhóm; công việc nào đòi hỏi phải đến văn phòng làm việc cấu thành nhóm khác. Điều này giúp doanh nghiệp có kế hoạch hạn chế được số lượng công việc yêu cầu sự có mặt tại văn phòng.

2. Tăng cường tự động hóa trong doanh nghiệp

Đối với một số loại công việc nhất định, tự động hóa làm tăng độ an toàn, tin cậy và cải thiện sức khỏe cho NLĐ. Trên thực tế, đây trở thành khả năng bắt buộc của doanh nghiệp để đối phó với khủng hoảng dịch Covid-19.

Nhiều công ty tiện ích đã mở rộng sử dụng phần mềm tự động hóa trong những tuần gần đây để cho phép công nhân vận hành, giám sát và điều khiển hệ thống từ xa, từ đó giảm nguy cơ con người tiếp xúc với virus và cho phép các tiện ích hoạt động trơn tru mà không bị gián đoạn dịch vụ.

3. Trao đổi nguồn lao động xuyên ngành

Câu hỏi người quản lý nên đặt ra là: Làm thế nào có thể khai thác tối ưu hệ sinh thái nhân tài rộng lớn, để từ đó xây dựng khả năng phục hồi của cả tổ chức và NLĐ trong thời điểm này? 

Một giải pháp sáng tạo có thể được cân nhắc tới là thực hiện trao đổi nguồn lao động xuyên ngành - tạm thời luân chuyển nhân viên đang không có việc làm do khủng hoảng (VD: hàng không, khách sạn) sang những doanh nghiệp đang có quá lớn khối lượng công việc (VD: y tế, hậu cần, cửa hàng bán lẻ). 

Điều này sẽ tránh được các chi phí không cần thiết, nguy cơ ảnh hưởng danh tiếng trong trường hợp doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động. Đây cũng là phương án hỗ trợ người lao động phát triển những kỹ năng mới và mở rộng mạng lưới rộng hơn.

Ví dụ, siêu thị Kroger đang tạm thời mượn nhân viên làm lông trong 30 ngày từ Sysco Corporation- nhà phân phối thực phẩm bán buôn cho các nhà hàng bị thiệt hại lớn do Covid-19.

Nhiều tháng trước tại Trung Quốc, các công ty cũng bắt đầu chia sẻ nhân viên một cách sáng tạo, chuyển nhân viên không có việc làm từ các tổ chức như nhà hàng, cho những người có nhu cầu tăng đột biến như Hema, chuỗi cửa hàng bán lẻ của Alibaba, “mượn” lao động. Hơn 3.000 nhân viên mới từ hơn 40 công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau đã tham gia kế hoạch chia sẻ nhân viên của Hema.

Trong những cuộc trao đổi như trên, phía doanh nghiệp tiếp nhận lao động sẽ xác định những kỹ năng họ đang tìm kiếm. Sau đó, họ làm việc với các bên chia sẻ nguồn lao động để thảo luận về thời gian trao đổi, các chính sách lương, thưởng và bảo hiểm liên quan.

Mặc dù đại dịch Covid-19 là một thời gian khó khăn, nhưng nó cũng có thể là nơi khởi đầu của những sáng tạo chưa từng có. Sắp xếp lại các công việc trong môi trường kinh doanh đầy thách thức ngày hôm nay có thể đẩy nhanh tương lai của công việc và mở ra những cách thức mới trong cách thức, nơi làm việc ngày mai. Cuối cùng, điều này có thể giúp chúng ta xây dựng khả năng phục hồi hiệu quả cho doanh nghiệp, đồng thời đưa đến cho NLĐ cuộc sống lành mạnh và bền vững.

Theo Ravin Jesuthasan , Tracey Malcolm and Susan Cantrell, “How the Coronavirus Crisis Is Redefining Jobs”, HBR, 22/04/2020.

Người dịch: Diễm Phúc Trần

Sự kiện liên quan

Liên hệ ngay
Bạn cần các giải pháp nhân sự phù hợp? Liên hệ ngay với chúng tôi! Hoặc gọi số +84 906645006

Nhu cầu đăng ký tài khoản của bạn
Đăng ký hội viên cá nhân
Đăng ký Hội viên Doanh nghiệp
Tôi đồng ý với các điều khoản của VNHR