5 CÁCH BIẾN “NGUY” THÀNH “CƠ” TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong bối cảnh đại dịch đang thay đổi dần cuộc sống đời thường và làm gia tăng sự bất bình đẳng, thế giới lại chứng kiến các tổ chức, doanh nghiệp đang triển khai những kế hoạch đầy sáng tạo. Thay vì ngừng hoạt động, một số nhà máy bắt đầu sản xuất chất khử trùng tay chứa cồn với giá cả phải chăng; các doanh nghiệp pháo tuyết bắt đầu sản xuất thuốc phun khử trùng cho không gian rộng; và các doanh nghiệp áo tắm bắt đầu bán những đồ gia dụng phục vụ cho sức khỏe thông qua thương mại điện tử. Doanh nghiệp nào trong tâm thế sẵn sàng đón nhận mọi bất ổn, sẽ nhìn ra cơ hội và phát triển mô hình kinh doanh mới..

Một nghiên cứu 10 năm được thực hiện với những CEO và doanh nghiệp hàng đầu, chỉ ra rằng những nhà lãnh đạo truyền cảm hứng nhất thế giới đã dần phát triển những khả năng trước biến cố, nghịch cảnh một cách vô thức. Những khả năng này khai mở sự sáng tạo và tạo ra tác động tích cực cho doanh nghiệp trước những sự bất định. Họ đã tự tạo cho mình “may mắn” một cách thông minh bằng cách chỉ ra và kết nối những dấu hiệu mà họ đã nhận được. 

Vậy chúng ta có thể tận dụng những gì từ cách tư duy ngẫu nhiên này?

1. Có định hướng trong khi vẫn sẵn sàng đón chào những điều bất ngờ chưa đến

Tại sao chúng ta ở đây và tại sao mọi người nên quan tâm đến vấn đề đó? Các nhà lãnh đạo hiệu quả, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng, thường kết hợp ý thức định hướng với nhận thức sâu sắc đâu là những điều không thể kiểm soát, chưa nói đến việc dự đoán tương lai. Các công ty thường xác định hướng đi này bằng cách kết nối lại và đổi mới những thứ đã có, hay  xem xét năng lực của họ với cuộc khủng hoảng hiện tại. Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng đón nhận sự bất định là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với bất cứ doanh nghiệp nào ở giai đoạn đầu.

2. Đổi mới tư duy

Đổi mới tư duy là xem xét lại tình huống đang gặp phải và khả năng của mình một cách khác đi. Một thương hiệu thiết kế có thể nhận ra rằng họ có thể sản xuất và bán khẩu trang thời trang, trong khi các nghệ sĩ đã bị hủy buổi biểu diễn do COVID-19 có thể bắt đầu thu hút khán giả mới bằng cách mở lớp dạy online. (...)

Nguồn: REUTERS/Lee Smith

3. Tận dụng nghịch cảnh để định hình hoạt động kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp

Trong một thế giới thay đổi rất nhanh như hiện nay, những giải pháp trước sự bất định đòi hỏi doanh nghiệp phải cực kỳ tỉnh táo để đưa ra quyết định hợp lý. Việc IKEA xây dựng “cánh đồng gió” hay Mahindra & Mahindra tổ chức những dự án tiết kiệm năng lượng là các giải pháp hoàn toàn không tính trước. Những công ty này thường xem điều bất ngờ xảy đến là thời cơ hơn là mối nguy, và họ tận dụng triệt để cơ hội để phát triển văn hóa tổ chức. Cách tư duy này đặc biệt hữu hiệu trong thời kỳ khủng hoảng, ví dụ như trường hợp của Best Buy. Công ty này trong một trận bão lớn, đã đối đãi nhân viên mình như gia đình, họ viện trợ thức ăn, nước uống và cả trực thăng cá nhân để cứu trợ. Điều này cuối cùng đã giúp họ có được nhiều khách hàng hơn, và NLĐ ở doanh nghiệp trở nên năng nổ hơn trong công việc.

4. Trao quyền cho nhân viên

Những nhà lãnh đạo sáng suốt ngày càng “đặt cược”, trao quyền cho nhân viên theo nhiều cách khác nhau, bao gồm phát triển những mô hình “doanh nghiệp siêu nhỏ” trong lòng tổ chức. Ở đó, NLĐ được khuyến khích để khởi xướng nhiều ý tưởng, từ đó tận dụng và phát triển doanh nghiệp dựa trên nguồn lực sẵn có. “Hội đồng đầu tư” trong công ty được thành lập và sẽ quyết định thực thi những ý tưởng có tính hứa hẹn nhất. Mô hình này đã được thực hiện thành công tại một công ty Trung Quốc: họ quyết định sản xuất máy rửa khoai tây, vì một nhân viên trong công ty đã quan sát được người nông dân thường rửa cà chua bằng máy giặt. Có thể nói, sự cách tân đổi mới không nên chỉ giới hạn trong một nhóm người nhỏ bé, mà là nhiệm vụ của mọi người trong toàn công ty để xác định các cơ hội tiềm năng, giúp công ty tồn tại và phát triển trong nghịch cảnh.

5. Trau dồi khả năng chỉ ra những điều bất ngờ có giá trị

Sự tỉnh táo là yếu tố trọng yếu để chú ý, xem xét những sự kiện không lường trước, từ đó để ra được ý tưởng đổi mới đột phá. Một số doanh nghiệp đã thử áp dụng nhiều phương pháp, trong đó họ thường đặt ra vài câu hỏi cho nhân viên trong các cuộc họp hằng tuần, như có điều gì bất ngờ xảy đến trong tuần qua hay không; nếu có thì nó đã thay đổi suy nghĩ của họ như thế nào. Tuy nhiên, nếu nhà lãnh đạo muốn khuyến khích NLĐ đưa ra thêm được nhiều ý tưởng mới mẻ, họ cần tạo môi trường “ít rủi ro” để NLĐ có thể tự tin thể hiện. Chúng ta có thể học hỏi từ các công ty như Pixar, trong đó, trong các cuộc họp, các giám đốc điều hành nhấn mạnh rằng hầu hết các ý tưởng đều không hay ho ngay từ đầu. Sau đó, những ý tưởng, giải pháp hoặc quy trình “không hoàn hảo” được sử dụng như một cách học hỏi liên tục.

Phản ứng đối với khủng hoảng không báo trước như Covid-19 của mỗi doanh nghiệp sẽ xác định vị thế họ là ai. Theo tinh thần của Viktor Frankl, luôn luôn tồn tại khoảng cách giữa sự bị kích thích hoặc ứng biến trước yếu tố bên ngoài, tại đó, mỗi doanh nghiệp có quyền lựa chọn. Cách chúng ta lựa chọn sẽ tạo nên sự khác biệt giữa sự sụp đổ và sự đột phá của tổ chức.

Theo Christian Busch, “The ways businesses can turn COVID-19 uncertainty to their advantage”, World Economic Forum, 14/07/2020

Sự kiện liên quan

Liên hệ ngay
Bạn cần các giải pháp nhân sự phù hợp? Liên hệ ngay với chúng tôi! Hoặc gọi số +84 906645006

Nhu cầu đăng ký tài khoản của bạn
Đăng ký hội viên cá nhân
Đăng ký Hội viên Doanh nghiệp
Tôi đồng ý với các điều khoản của VNHR