ĐỐI PHÓ VỚI COVID-19 - SỰ TỰ QUẢN TRONG THẢM HỌA

“Thảm họa là biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường” (Khoản 13, Điều 2 – Luật Quốc phòng 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019).

Những ngày gần đây, hơn 200 quốc gia trên thế giới đang đối mặt với trận chiến chống virus cúm chủng mới Covid-19. Theo số liệu cập nhật sáng 28/03/2020 – hiện toàn thế giới đã ghi nhận 597,262 người nhiễm với hơn 27,000 người tử vong giữa đại dịch (theo VnExpress). Riêng tại Việt Nam, đại dịch Covid 19 tưởng đã kết thúc vào ngày 25/02/2020, nhưng khi có sự xuất hiện của bệnh nhân số 17 vào ngày 06/03/2020, Việt Nam đã bước sang giai đoạn 2 của cuộc chiến chống Covid 19. Tính đến sáng 09/04/2020, Việt Nam ghi nhận 251 ca nhiễm bệnh và con số này có thể tăng thêm trong tương lai.

Nguồn: Internet

Bài viết này không nhắm đến quy trình hay nguồn vốn tài chính trong quản lý đại dịch, cũng không đề xuất phương pháp đối phó với thảm họa này, mà chỉ đề cập đến khả năng đối phó với nghịch cảnh ở mỗi cá nhân để chúng ta cùng suy ngẫm, và góp phần hạn chế kiểm soát đại dịch Covid 19 tại Việt Nam.

1️. Bài học Tự quản trong Quản lý Thảm họa tại Nhật Bản:

Nhật bản là đất nước thường xuyên bị động đất và có những lần đón nhận những cơn sóng thần cao hơn 35m. Bên cạnh quy trình xây dựng các kế hoạch đối phó và các nguồn vốn tài chính (điều mà bất kể quốc gia nào trên thế giới cũng đều thực hiện trước thảm họa), Nhật Bản đã chú trọng đến Sự Tự quản (Autonomy) để đứng vững trước các thảm họa, thiên tai.

Thế nào là Sự Tự quản?

Theo Immanuel Kant – một Triết gia người Đức có tầm ảnh hưởng – sống vào giữa thế kỷ 18 & đầu thế kỷ 19, người có khả năng tự quản là người có động lực hợp lý để quản lý cuộc đời của chính mình. Người có khả năng tự chủ hợp lý không đòi hỏi cho riêng mình, mà biết cân nhắc các yếu tố phức tạp trong xã hội để phối hợp với các mối quan hệ tương quan và thích ứng tích cực với nghịch cảnh.

Xây dựng & Nâng cao nguồn vốn xã hội và vốn văn hóa từ khả năng Tự quản:

Trong quản lý các thảm họa, Nhật Bản chú trọng xây dựng Văn hóa Chuẩn bị (Preparedness Culture) – với sự kết hợp các yếu tố: Trách nhiệm với bản thân; Trách nhiệm với xã hội, chuẩn bị cho thiên tai, tin vào bản thân và xã hội, chiến lược cảnh báo, và sự tận tâm.

Người Nhật tin rằng người dân sẽ chấp nhận đương đầu với thảm họa khi mỗi cá nhân biết sống với sự tận tâm, trung thực, có trách nhiệm với bản thân & xã hội, luôn học tập để nâng cao tinh thần tự chủ. Chính vì vậy, họ luôn nhắm đến việc phát triển một cộng đồng giàu vốn xã hội & vốn văn hóa – hay nói cách khác là một cộng đồng có tính tương tác xã hội cao, chú trọng vào mối quan hệ tích cực và bao dung.

Chính nhờ các đặc tính này, các nhóm cộng đồng khác nhau (dân cư, tình nguyện viên, đội cứu trợ thiên tai, …) đã cùng nhau hỗ trợ, giúp nước Nhật rút ngắn thời gian tìm kiếm người mắc nạn, làm giảm số người chết thông qua việc cung cấp các thông tin, thói quen sinh hoạt hàng ngày của các nạn nhân, giúp nhanh chóng định vị các không gian, xác định vị trí cứu hộ.

Làm thế nào để xây dựng khả năng Tự quản?

- Đối với Cá nhân:

Người Nhật Bản, ngay cả trẻ em, được trang bị thói quen tự chăm sóc bản thân trong thảm họa, vì họ tin rằng khi thảm họa xảy ra, nếu chúng ta tự giải cứu mình được, cơ hội sống còn sẽ cao hơn – và xa hơn là có thể giúp đỡ người khác.

- Đối với Cộng đồng:

Người Nhật thường từ chối đón nhận những sự trợ giúp thức ăn miễn phí, liên tục từ các tình nguyện viên vì họ cho rằng những hành động này sẽ làm giảm đi hệ thống tự quản của cộng đồng. Họ cũng nghĩ rằng điều này sẽ gây hiệu ứng ngược về sau trong kinh doanh của các nhà cung cấp, các cửa hàng thực phẩm. Chỉ các mặt hàng như thiết bị có tác dụng hỗ trợ cho sự sinh tồn mới được xem xét đưa vào chương trình trao tặng, nhưng với một số lượng thích hợp.

- Đối với Chính phủ:

Chính phủ Nhật Bản thường hạn chế nhận sự đóng góp hoặc hỗ trợ từ quốc tế với “lí do” là rào cản ngôn ngữ. Họ cũng xem xét cẩn thận năng lực của các tình nguyện viên từ các nước khác do họ lo ngại sự khác biệt trong kỹ năng ứng phó sẽ tạo nên sự phức tạp cho toàn hệ thống, và chỉ một số lượng tình nguyện viên nhất định được phép tham gia vào khu vực ứng cứu thảm họa.

Những điều này không đồng nghĩa với việc người Nhật không cần đến sự giúp đỡ. Người Nhật sống có trách nhiệm, không đòi hỏi và biết phối hợp để nâng cao khả năng thích ứng với nghịch cảnh.

2️. Khả năng Tự quản của người Việt trước đại dịch Covid-19:

Bỏ qua những người nước ngoài đang sống tại Việt Nam, chúng ta hãy để ý đến hành vi của vài người Việt trong đại dịch Covid 19: chưa trung thực khai báo, tự ý trốn cách ly, ra chốn công cộng không đeo khẩu trang, đòi hỏi nhu cầu cá nhân quá đáng và thiếu bao dung tại khu cách ly, tung tin giả gây hoang mang trong cộng đồng nhằm trục lợi, …

Mỗi biến cố đều ngầm gửi đến chúng ta một thông điệp:

Đại dịch Covid-19 đang nhắn nhủ chúng ta phải thay đổi cách chúng ta tương tác với xã hội, cách chúng ta giao tiếp và làm việc, đặc biệt là thay đổi nhận thức của chúng ta về trách nhiệm của bản thân, gia đình và xã hội.

Việt Nam không phải là Nhật Bản, nhưng với sự tự hào về 4.000 năm văn hóa, mỗi người dân Việt có thể xây dựng và củng cố khả năng tự quản để cùng nhau đương đầu với thảm họa.

Thuật ngữ WFH (Work From Home – làm việc tại nhà) hay Social Distancing (Cách ly xã hội) đang được đề cập hầu như tất cả các doanh nghiệp lớn, nhỏ, trên các mạng xã hội từ Facebook, Instagram đến Linkedin. Hàng loạt khu du lịch, cửa hàng ăn uống, thời trang đóng cửa. Các hãng hàng không, taxi công nghệ tạm ngừng dịch vụ…

Mỗi người Việt chúng ta hãy cùng suy ngẫm:

  • Các cá nhân sẽ tự quản như thế nào tại khu cách ly hay/ và trước lời kêu gọi Cách ly Xã hội?
  • Mỗi nhân viên – kể cả cấp quản lý – sẽ tăng khả năng Tự quản như thế nào với WFH?
  • CEO các doanh nghiệp (đặc biệt là SME) sẽ tự quản như thế nào trong thời buổi kinh tế tiến thoái lưỡng nan?
  • Nguồn vốn văn hóa và nguồn vốn xã hội của Việt Nam cần cải thiện ra sao trong và sau đại dịch Covid 19?

Hãy tìm hiểu và chia sẻ câu trả lời cho cộng đồng để cùng nhau chung tay xây dựng một xã hội có tính tương tác cao, có mối quan hệ tích cực và bao dung.

Theo chị Lê Thị Kim Anh, Phó chủ tịch VNHR | Giám đốc Dynamic Consulting và chị Đinh Lâm Quỳnh Trâm, Dynamic Consulting.

 

Sự kiện liên quan

Liên hệ ngay
Bạn cần các giải pháp nhân sự phù hợp? Liên hệ ngay với chúng tôi! Hoặc gọi số +84 906645006

Nhu cầu đăng ký tài khoản của bạn
Đăng ký hội viên cá nhân
Đăng ký Hội viên Doanh nghiệp
Tôi đồng ý với các điều khoản của VNHR