ĐƯƠNG ĐẦU ĐẠI DỊCH COVID-19 DƯỚI GÓC NHÌN CHUYÊN GIA - CHUYỂN HÓA THÁCH THỨC THÀNH THỜI CƠ

Ngày 31/03/2020 vừa qua, VNHR đã tổ chức diễn đàn hội thảo trực tuyến với chủ đề: "ĐƯƠNG ĐẦU ĐẠI DỊCH COVID-19 - CHUYỂN HÓA THÁCH THỨC THÀNH THỜI CƠ", với sự tham gia sôi nổi của 75 chuyên gia HR hàng đầu.

Hội thảo trực tuyến được điều phối bởi:

  1. Chị Tiêu Yến Trinh - Tổng giám đốc Talentnet | Phó chủ tịch VNHR
  2. Chị Nguyễn Thị Xuân Hương - Giám đốc Nhân sự toàn quốc Akzo Nobel Việt Nam | Ban điều hành VNHR

Mở đầu năm 2020 với sự lây lan của Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức lớn trong việc duy trì hoạt động, vận hành và phát triển kinh doanh. Trong cuộc khảo sát ngắn tại hội thảo, khoảng hơn 90% doanh nghiệp tham gia có doanh thu giảm ở Quý I/2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có đến 23% doanh nghiệp giảm trên 50% doanh thu và 31% công ty giảm doanh thu từ 20-50%. 

Những hệ quả khác của dịch bệnh gây tổn hại đến doanh nghiệp cũng được đề cập lúc mở đầu của diễn đàn, như việc tạm ngừng kinh doanh hay khủng hoảng nguồn cung từ Châu Âu và Trung Quốc. Cụ thể, chị Lê Thị Hoàng Quyên, Giám đốc Nhân sự Vùng Đông Nam Á đến từ Coats Phong Phú, là công ty trực thuộc một trong những tập đoàn cung cấp chỉ may công nghiệp và chuyên dụng hàng đầu Việt Nam cho biết: ngành dệt may trên thế giới và trong khu vực bị ảnh hưởng tương đối nặng nề. “Ở Châu Á, rất nhiều công ty chịu tác động nặng nề, việc cung ứng nguyên vật liệu gặp khó khăn, nhu cầu giảm do tác động của các chính sách đóng cửa tại nhiều nước trên thế giới, nhiều khách hàng và các nhãn hiệu lớn hủy đơn hàng, có nhiều công ty đang và sẽ tiếp tục phải giảm  hoạt động sản xuất đến 15% đến 40% hoặc có thể hơn nữa trong vài tháng tới” - Chị Quyên nhận định.

CHIẾN LƯỢC QUẢN TRỊ NHÂN SỰ CẦN ỨNG BIẾN NHƯ THẾ NÀO?

Tại buổi hội thảo trực tuyến với chủ đề: "ĐƯƠNG ĐẦU ĐẠI DỊCH COVID-19 - CHUYỂN HÓA THÁCH THỨC THÀNH THỜI CƠ" ngày 31/03/2020 vừa qua, 75 chuyên gia HR hàng đầu, các Giám đốc Nhân sự các DN lớn đã cùng nhau thảo luận và chia sẻ chiến lược nhân sự mà họ đã và đang thực hiện.

Hội thảo trực tuyến “Đương đầu đại dịch Covid-19 - Chuyển hóa thách thức thành thời cơ” do VNHR tổ chức.

Trong tuần đầu tiên của 15 ngày cách ly xã hội, đa số các doanh nghiệp đều đã có các quyết sách tạm thời để đối phó với đại dịch. "Chiến lược hiện tại đều tập trung vào tính linh hoạt, biến thách thức thành thời cơ." Chị Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Talentnet, Phó chủ tịch VNHR chia sẻ. 

Các Giám đốc Nhân sự đều chia sẻ chiến lược Nhân sự các Cty giai đoạn này tập trung các mục chính như sau: 

  1. Bảo đảm an toàn cho sức khỏe và công việc cho người lao động
  2. An toàn bền vững cho tổ chức
  3. Ưu tiên phát triển về nội lực cho doanh nghiệp qua quá trình đào tạo

Cụ thể, chị Trần Thuỳ Chi - Giám đốc Nhân sự cấp cao của một DN sản xuất & phân phối thiết bị điện tử hàng đầu Việt Nam cho biết doanh nghiệp đang triển khai 5 chiến lược chính:

  • Xem xét cắt giảm chi phí lao động không cần thiết;
  • Tái cấu trúc doanh nghiệp;
  • Củng cố khả năng lãnh đạo trong nội bộ doanh nghiệp;
  • Tăng cường đào tạo cho NLĐ trên nền tảng trực tuyến
  • Tận dụng áp dụng lâu dài các chính sách an sinh xã hội hiệu quả cho tương lai.

Chị Chi nhận định việc tập trung trau dồi cho cấp quản lý các kỹ năng quản trị khủng hoảng và con người là tối quan trọng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội trong đại dịch để bồi dưỡng, đào tạo đa kỹ năng cho NLĐ, giúp nâng cao chất lượng của đội ngũ nhân viên sau khi bước qua khủng hoảng.

​Đồng quan điểm trên, Chị Phan Thị Thu Hương – Giám đốc Nhân sự cấp cao Schaeffler VN (thuộc khối sản xuất) cho biết doanh nghiệp của chị cũng chú ý xác định các kế hoạch không chỉ cho mục đích tồn tại mà còn tính đến tương lai phát triển lâu dài. Tất cả các kịch bản cho cả trường hợp xấu nhất và khả quan nhất đều được tính đến.

Ví dụ:

  • Trong trường hợp khả quan: Dù đơn hàng Quý I và Quý II vẫn ổn định do thời gian đặt hàng trước 3 tháng nhưng đến Quý III & IV có khả năng đơn hàng sẽ giảm, nhưng chắc chắn sau đó các đơn hàng sẽ tăng trở lại vì nhiều dự án đang chuyển giao về Việt Nam, nhà máy đang mở rộng qui mô. Kế hoạch ứng phó hiện nay là xem xét kỹ các yêu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên để đảm bảo nâng cao hiệu suất sản xuất sau dịch, công ty hiện đang tiến hành các chương trình đào tạo tại chỗ (On the Job training), và đẩy mạnh chương trình đào tạo đa kỹ năng cho công nhân kỹ thuật. 
  • Trong trường hợp xấu nhất:

-  Bắt buộc phải cắt giảm chi phí thì công ty sẽ thỏa thuận với người lao động để cắt giảm một phần thu nhập, nhằm chia sẻ khó khăn với công ty, hạn chế hoặc không cắt giảm người lao động, nhưng có thể tạm thời sẽ không tăng số lượng nhân sự, tuy nhiên vẫn duy trì đào tạo, vừa ổn định doanh nghiệp và sẵn sàng có đủ nguồn lực duy trì sản xuất và khi tăng trưởng trở lại.

-   Nếu chẳng may công ty bị cách ly theo yêu cầu của chính quyền, hoặc do ảnh hưởng của dịch Covid 19 buộc phải đóng cửa tất cả các hoạt động, thì doanh nghiệp sẽ tiến hành điều chỉnh lương cho nhân viên theo lộ trình để cùng san sẻ tổn thất với doanh nghiệp. Chương trình cụ thể đã thông qua bàn bạc với BCH công đoàn và sẽ thông tin đến cho nhân viên khi có kế hoạch cụ thể.

Chị Tiêu Yến Trinh và chị Nguyễn Thị Xuân Hương điều phối phiên thảo luận về chiến lược quản trị Nhân sự từ các doanh nghiệp

Làm thế nào để hạn chế giải pháp “cắt giảm lao động”, hạn chế thiệt hại với nhóm NLĐ dễ tổn thương?

Tiếp theo những chia sẻ về kế hoạch nhân sự, Chị Lê Thị Hoàng Quyên, Giám đốc Nhân sự Vùng Đông Nam Á - Coats Phong Phú cũng đưa ra một góc nhìn mới về giải pháp không cắt giảm lao động. Theo chị, khi có sự cố giảm sản xuất, không đủ việc, hầu hết các doanh nghiệp có số lượng công nhân đông thường làm đầu tiên là cắt giảm công nhân hoặc ngừng việc không lương cho công nhân.

“Trên thực tế, công nhân là người dễ bị tổn thương nhất, vì đối với họ, lương là nguồn tài chính thiết yếu để đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của cuộc sống hàng ngày.Thế nên, theo tôi, nếu doanh nghiệp có khả năng và có thể điều chỉnh các hoạt động của mình, nên xem xét phương án giảm giờ làm, giảm lương cho nhóm lao động quản lý tầm trung và cấp cao, sử dụng chi phí này bù đắp phần nào chi phí trả lương cho công nhân. Vận động nhân viên mình cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ những người khó khăn hơn, để vượt qua đại địch. 

Khi đến thời kỳ hồi phục, không nắm được ngay cơ hội để khôi phục sản xuất và hỗ trợ khách hàng cùng hồi phục nhanh, thì có thể suy yếu. Tổ chức nào hồi phục nhanh, nắm bắt nhanh thì sẽ chiến thắng. NLĐ cấp quản lý, việc giảm lương tạm thời và giảm giờ làm, dù có ảnh hưởng nhưng chưa đến nỗi ảnh hưởng đến chi tiêu cho các nhu cầu tối thiểu. Trong thời gian nghỉ thêm, họ có thể trau dồi thêm kỹ năng, học tập, để quay trở lại làm việc tốt hơn. Các công ty nên nắm bắt cơ hội để đưa các chính sách đào tạo trực tuyến cho nhóm này. Đây là thời điểm rất tốt để xây dựng năng lực quản lý cho đội ngũ nhân viên của mình, biến khó khăn thành cơ hội.”

Chị chia sẻ rằng hiện công ty chị thay đổi các ưu tiên của mình để đối phó với dịch: “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho nhân viên của mình; thực hiện tối đa các chính sách giãn cách xã hội tại nơi làm việc và các biện pháp phòng ngừa dịch khác. Trong đó, bao gồm luôn cả việc cố gắng duy trì hết mức có thể công ăn việc làm cho tất cả nhân viên của mình, duy trì trả lương đầy đủ cho nhóm lao động công nhân để họ có thể tiếp tục bảo đảm cuộc sống trong thời gian ngắn hạn vài tháng sắp tới. Tùy theo tình hình của thị trường mà điều chỉnh các ưu tiên và chính sách thích hợp. Sau đó là việc kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, hạn chế những chi phíkhông cần thiết, hỗ trợ khách hàng và một số ưu tiên khác. Chúng tôi mong muốn duy trì nguồn lực tốt nhất có thể có và tận dụng tối đa mọi cơ hội để hồi phục nhanh chóng và tiếp tục phát triển."  

CÁC KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ VỚI COVID-19 - CHIA SẺ TỪ “NGƯỜI TRONG CUỘC” 

Có thể nói, việc nhìn xa trông rộng trong hoàn cảnh hiện tại là điều cần thiết khi khủng hoảng hoàn toàn có thể kéo dài đến năm sau. Tuy nhiên, trước mắt, doanh nghiệp vẫn cần đưa ra những quyết định nhanh chóng ngay tức khắc để tồn tại.

Một cuộc khảo sát nhanh đã được thực hiện giữa 75 doanh nghiệp tham dự trong hội thảo trực tuyến về các hoạt động nhân sự đang được triển khai tại doanh nghiệp. Các chính sách nổi bật có thể kể đến như tạm dừng tuyển dụng, làm việc tại nhà (Work from home), làm việc theo khu vực, theo đội nhóm, nghỉ phép luân phiên, cắt giảm nhân sự, cắt giảm lương, giờ làm và cân nhắc mua bảo hiểm Covid-19 cho NLĐ. Trong đó, làm việc tại nhà (chiếm 79%) và yêu cầu nghỉ việc, ngừng việc (37%) là hai biện pháp đang được áp dụng nhiều nhất.

Khảo sát về tỷ lệ mức lương ngừng việc cho từng nhóm đối tượng cho thấy phần lớn doanh nghiệp sẽ áp dụng mức lương ở 50-70% đối với nhóm quản lý cấp cao và giữ nguyên lương tối thiểu hoặc hơn cho nhóm công nhân.

Tổng kết buổi hội thảo, Chị Nguyễn Thị Xuân Hương - Giám đốc Nhân sự toàn quốc Akzo Nobel Việt Nam, cho biết "Covid-19 có thể vừa là mối nguy, cũng là cơ hội cho tổ chức gắn kết và tạo niềm tin nơi nhân viên. Bên cạnh đó, sự linh hoạt ứng biến, tận dụng thời cơ là yếu tố quyết định cho sự sống còn."

VNHR hi vọng với diễn đàn hội thảo trực tuyến: "ĐƯƠNG ĐẦU ĐẠI DỊCH COVID-19 - CHUYỂN HÓA THÁCH THỨC THANH THỜI CƠ", doanh nghiệp tham gia có thể tìm ra quyết sách phù hợp nhất để duy trì hoạt động kinh doanh cũng như tối thiểu hóa thiệt hại trong đại dịch. Chúc chúng ta vượt khủng hoảng thành công!

 

Sự kiện liên quan

Liên hệ ngay
Bạn cần các giải pháp nhân sự phù hợp? Liên hệ ngay với chúng tôi! Hoặc gọi số +84 906645006

Nhu cầu đăng ký tài khoản của bạn
Đăng ký hội viên cá nhân
Đăng ký Hội viên Doanh nghiệp
Tôi đồng ý với các điều khoản của VNHR